Thưa ông Tổng thư ký Liên Hợp quốc,
Cháu tên là Eva Giordano Palacios, năm nay cháu 14 tuổi và đang sống tại Togo. Như mọi cô bé, cháu mơ ước tới một đám cưới hoàn mỹ với cô dâu là cháu trong bộ váy cưới rực rỡ, đi bên một chàng trai hoàn hảo, với bó hoa cô dâu truyền thống cầm tay, bữa tiệc cưới kéo dài vô tận và cặp nhẫn cưới đẹp hơn cả kim cương. Cháu mơ tới một đám cưới tuyệt vời nhưng đó chỉ là ước mơ vì cháu còn rất nhiều thời gian để mơ mộng như vậy và cháu rất vui vì điều này! Cháu có thể mơ mộng nhưng đối với nhiều bạn khác, đây có thể là một thực tế phũ phàng. Một thực tế xảy ra hàng ngày với những cô bé nghèo khổ vốn không thể tự bảo vệ được bản thân. Mỗi năm, hơn 15 triệu cô bé chừng 15 tuổi hoặc ít hơn bị buộc phải cưới những người đàn ông gấp ba lần tuổi các bạn ấy!
Chắc ông Tổng Thư ký đã đoán được ra: Cháu muốn kể với ông về những đám cưới tảo hôn.
Đúng vậy, hôn nhân tảo hôn là khi người ta đem gả những đứa trẻ khi chúng chưa đến độ tuổi hợp pháp hoặc độ tuổi có những cảm xúc phù hợp để cưới xin. Đám cưới tảo hôn là hậu quả của những truyền thống rất lâu đời, của đói nghèo, dốt nát, của một thiếu nữ mang thai quá sớm hoặc của những vùng không có luật pháp. Những nước còn tục lệ này thường là những nước kém phát triển và do vậy còn nghèo. Nạn nhân thường là những cô bé chừng 15 tuổi hoặc còn nhỏ hơn thế. Các bạn ấy bị gả bán để tạo những liên minh chiến lược hoặc liên minh lợi ích của các gia đình, dòng họ. Các bạn ấy bị gả bán cũng có khi bởi vì bị coi như là những gánh nặng và do đó, việc gả con sớm đồng nghĩa với việc bớt đi một miệng ăn trong gia đình. Và còn nhiều những lý do biện minh cho việc gả bán như vậy.
Giải pháp duy nhất đối với những đám cưới tảo hôn là giáo dục. Giáo dục sẽ cho phép trẻ em ngày nay, là người thành niên trong tương lai, hiểu rằng các hủ tục cổ xưa ép họ phải gả con gái cưới sớm không phải là đúng đắn, và cái nghèo không phải là lý do để gả những cô gái bé bỏng của họ đi, hơn nữa lại là cho những người đàn ông quá già đối với các cô bé đó. Nhưng giáo dục sẽ không thể thực hiện được nếu không có phương tiện, không có tiền. Những nước chậm phát triển thường là những nước nghèo không có nguồn lực để xây dựng những cơ sở học đường có chất lượng, tuyển chọn được những giáo viên có trình độ cao. Họ chỉ có thể có được những trường học với hiệu quả hạn chế. Vì vậy phải tăng viện trợ cho những nước chậm phát triển để họ có thể bắt kịp các nước khác về nhân lực cũng như cơ sở hạ tầng. Trước mắt, cần phải khuyến khích các nước chậm phát triển tăng cường luật pháp để cấm các đám cưới tảo hôn. Vì thật ra khi các gia đình bị đưa ra tòa vì gả bán con cái họ quá sớm, họ thường được thả mà không chịu hình phạt gì do đã mua chuộc quan tòa hoặc công an. Chưa kể tới việc pháp luật thường cũng dễ dãi cho những trường hợp này. Và kỳ quặc nữa là mặc dù do thiếu thốn về tài chính nên các gia đình gả bán con sớm, họ vẫn phải kiếm tiền để mua chuộc nhà chức trách pháp lý. Thật là một vòn luẩn quẩn mà ngày hôm nay đây chỉ có Ông, thưa Ông Tổng Thư ký Liên Hợp quốc, mới có thể giúp họ thoát khỏi.
Thưa Ông Tổng Thư ký, cháu hy vọng đã góp phần nhỏ bé vào các dự án của Ông trong những năm sắp tới và Ông sẽ có thể giúp chấm dứt hẳn cái thực tế vô nhân đạo và lạc hậu là tình trạng tảo hôn.
Kính chào ông,
Eva Giordano Palacios, 14 tuổi, đất nước Togo
Đọc tiếp:
Bức thư đoạt giải nhất Quốc tế - Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 45 (Năm 2016)
Bức thư đoạt giải nhất Quốc tế- Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 44 (Năm 2015)
Bức thư đoạt giải nhất Quốc tế - Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 43 (Năm 2014)
Bức thư đoạt giải nhất Quốc tế - Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 42 (Năm 2013)
Bức thư đoạt giải nhất Quốc tế - Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 41 (Năm 2012)
Bức thư đoạt giải nhất Quốc tế - Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 40 (Năm 2011)